Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng đối với đảng viên, đoàn viên, quần chúng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) và thực hiện kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề năm 2023, ngày 15/7/2023 Chi bộ Quản lý xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật - Đảng bộ Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt về địa chỉ đỏ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Địa đạo Kỳ Anh thuộc Thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Địa đạo Kỳ Anh là một trong 03 địa đạo nổi tiếng còn được lưu lại trên cả nước, cùng với Địa đạo Củ Chi và Vĩnh Mốc. Nơi đây ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của quân và dân đất Quảng Nam, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 1998.
Đình làng Thạch Tân là nơi thờ tự thần Đại Càn Nam Hải, thờ các chư vị tiền hiền, 203 liệt sỹ và 59 mẹ Việt Nam anh hùng của thôn Thạch Tân. Ngay phía dưới đình chính là hệ thống địa đạo. Địa đạo là căn cứ hoạt động của quân Cách mạng trong thời kỳ kháng chiến.
Hình ảnh: Đinh làng Thạch Tân (bên dưới ngôi đình và hệ thống địa đạo)
Tại gian chính của Đình, các đồng chí đảng viên trong Chi bộ đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ và tri ân những đóng góp, cống hiến của hàng trăm liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Đoàn cũng được nghe ông Huỳnh Kim Ta, là thương binh kiêm cán bộ Khu di tích giới thiệu về lịch sử hình thành, cùng xem các tư liệu, hiện vật quý giá liên quan đến những đóng góp to lớn của Khu Di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Kỳ Anh và những người dân vùng cát trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ dành độc lập của dân tộc.
Hình ảnh: Dâng hương và nghe thuyết trình về khu di tích
Địa đạo được xây dựng trong 2 năm 1965 đến 1967, có tổng chiều dài 32 km, gồm nhiều đường hầm (như: hầm cứu thương, hầm chỉ huy, hầm tác chiến, hầm chứa lương thực…), quanh co, uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các bờ tre, mương nước, bụi rậm, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã. Chiều rộng hầm từ 0,5 – 0,8 m, chiều cao từ 0,8 – 1m, trong lòng địa đạo có nhiều đoạn rất hẹp để đề phòng địch có thể phát hiện. Khác với các địa đạo Củ Chi, Vĩnh Mốc, địa đạo Kỳ Anh được đào ở vùng cát, do đó việc đào và bảo vệ địa đạo rất khó khăn, vất vả. Địa đạo được đào bằng các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng… với sự tham gia của nhiều lực lượng như bộ đội, du kích, phụ nữ.
Hình ảnh: Miệng hầm năm ven mương nước và dưới cây rơm
Địa đạo là nơi ghi dấu cho sự hy sinh và mất mát to lớn của nhân dân, cụ thể tại thôn Thạch Tân nhỏ bé có một phần địa đạo chạy qua đã có hơn 90% người dân tham gia cách mạng, trong đó có 203 liệt sỹ và 59 mẹ Việt Nam Anh Hùng. Điều này đã làm cho chúng ta phần nào hình dung được những cơn pháo nã, những trận mưa bom tàn khốc đã dội xuống nơi đây, cảm nhận được những hy sinh mất mát mà mảnh đất và con người nơi đây đã trải qua.
Hình ảnh: Trong hầm nhánh và hầm chỉ huy
Cây rõi cổ thụ gần 500 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Thời chiến tranh ác liệt, du kích và dân trong làng dùng cây rõi như đài quan sát. Họ thường leo lên ngọn cây, theo dõi các hoạt động của địch để báo cho du kích ẩn náu xuống địa đạo hoặc tìm cách đối phó với tình hình.
Hình ảnh: Tại cây Rõi cổ thụ
Ngày nay, Địa đạo Kỳ Anh được khoác lên mình những hàng tre xanh ngắt, len lỏi trong những đường làng quanh co rợp bóng cây, khiến cho mỗi chúng ta như được đắm mình vào khung cảnh làng quê thanh bình. Trong sự yên bình của hiện tại ẩn giấu trong nó là biết bao câu chuyện rất xúc động về những ngày tháng Địa đạo Kỳ Anh cùng quân dân Tam Kỳ vào sinh ra tử. Thời chiến người dân trong làng buông bỏ cái cày, để cầm cuốc xẻng tham gia đào hầm, nuôi dấu cách mạng. Ngày nay thời bình, người dân quay lại với cuộc sống mưu sinh bằng những nghề thủ công như: dệt chiếu, đan lát…
Hình ảnh: Giếng nước, con đường làng có địa đạo ở bên dưới và 2 người
phụ nữ du kích ngày nay mưu sinh bằng nghề đan chiếu
Việc tổ chức sinh hoạt về nguồn tại địa điểm có ý nghĩa lịch sử cách mạng đã nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho mỗi đảng viên, công chức, quần chúng nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên và đặc biệt là đã truyền nhiệt huyết phấn đấu cho các quần chúng ưu tú về tinh thần cách mạng, củng cố niềm tin đối với Đảng, về tình yêu Tổ quốc. Từ đó, đảng viên, công chức có ý thức, trách nhiệm phát huy tốt vai trò của bản thân mình trong việc bảo vệ, xây dựng Đảng ngày càng vẫn mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đơn vị giao./.
Chi bộ QLXD&HTKT